Kinh Nghiệm Trekking Tà Năng Phan Dũng Chi Tiết A-Z

24/10/2022 | 320

Ta Năng Phan Dũng được đánh giá là một trong những con đường trekking đẹp nhất Việt Nam. Cung đường Tà Năng Phan Dũng đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận

Tà Năng - Phan Dũng ở đâu?

Tà Năng là một xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Còn Phan Dũng là một xã thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận, cách Tp.HCM tầm 300km, cách trung tâm Đà Lạt 80km. Cung đường Trekking Tà Năng - Phan Dũng sẽ đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng chiều dài là 55 km thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kalon Sông Mao.

Địa hình bìa rừng Tà Năng khá bằng phẳng, có nhiều cây bụi, đồng có xanh ngát. Hết bìa rừng, địa hình bắt đầu trập trùng với nhiều núi đồi, dốc cao và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Nhờ vậy mà Tà Năng - Phan Dũng đã trở thành một trong những cung đường Trekking đẹp nhất Việt Nam.

Tuyến đường trekking Tà Năng Phan Dũng bao nhiêu km?

Quãng đường trekking dài khoảng 55km trải dài trên 3 tỉnh: từ huyện Tà Năng của Lâm Đồng, qua Ninh Thuận, đến huyện Phan Dũng của Bình Thuận. Tà Năng - Phan Dũng là địa điểm trekking thu hút những người yêu thích khám phá thiên nhiên thác suối và rừng núi hoang dã. Khi đi trekking bạn sẽ được đặt chân trên những dãy núi đồi cao, có những quả đồi cao tới 1.100m và thấp nhất là 500m. 

Đến Tà Năng bằng cách nào?

Muốn đi tới Tà Năng - Phan Dũng, các bạn có thể đi bằng xe máy, ô tô hoặc xe khách. Nếu bạn đi bằng xe máy và ô tô thì phải gửi xe nhà dân ở xã Tà Năng thì mới bắt đầu hành trình Trekking được. Còn khi bạn đi xe khách, bạn chỉ cần thuê xe ôm vào đến xã Tà Năng là có thể bắt đầu đi Trekking.

Đi xe khách bạn có thể chọn nhà xe giường nằm Xuân Mẫn đi chợ Đà Loan ( Tà Năng ) tại địa chỉ A75/30 đường Bạch Đằng P.2 Q.Tân Bình để di chuyển. Nhà xe thường xuất phát vào 08h00 sáng và 22h00 tối hằng ngày, bạn chỉ việc lên xe ngủ 1 giấc là đến.

Số điện thoại xe giường nằm Xuân Mẫn: 0975 033 520 - 0946 709 041

Đi xe máy hoặc tự lái xe ô tô thì từ TP.Hồ Chí Minh bạn sẽ đi theo QL 1A  hoặc Cao Tốc Long Thành (CT01) đến Dầu Giây thì rẽ vào QL 20 (hướng lên Đà Lạt). Đến ngã ba Tà Hine (thuộc Đức Trọng, cách Đà Lạt 45km), bạn đi tiếp qua địa phận xã Đà Loan, Tà Năng, Đa Quyn, đi hết đường bê tông là đến bìa rừng. 

Cung đường Trekking xuất phát từ cửa rừng Tà Năng hoặc cửa rừng Ma Bó, thôn Makir đến đập Phan Dũng của xã Phan Dũng, có độ dài 55 km, qua trùng trùng điệp điệp các lớp núi đồi. Đường Trekking này có đến 90% là các lối mòn và đường nhiều ngã rẽ. Đỉnh Tà Năng - Phan Dũng cao 1160m và cột mốc của 3 tỉnh cao 1.701m đã trở thành mục tiêu chinh phục của những người đam mê Trekking.

Trekking Tà Năng – Phan Dũng vào đúng mùa rất đẹp, địa hình không quá hiểm trở nhưng có những cự ly dài đòi hỏi phải có sức khỏe và sức bền. Hiện có hai cung đường khác nhau để chinh phục Tà Năng – Phan Dũng. 

- Cung đường đầu tiên là cung Đồi Lính dài 35 km là cung đường được nhiều người lựa chọn nhất bởi độ dài phù hợp, có thể đi vào 2 ngày cuối tuần.

- Cung đường thứ hai là cung Thác Yavly dài 55km khá nguy hiểm, nhiều đường mòn, lối rẽ và nhiều suối lớn nhỏ khác nhau (mùa mưa rất trơn trượt) phù hợp cho những người đi Trekking có kinh nghiệm

Tại sao Trekking Tà Năng Phan Dũng?

- Được đặt chân trên con đường trekking đẹp nhất Việt Nam

- Khám phá những cung đường bí ẩn len lỏi qua các con suối, núi đồi

- Rèn luyện thể lực và thử thách bản thân

Đi Tà Năng Phan Dũng mùa nào đẹp nhất?

Bởi do Tà Năng - Phan Dũng thuộc hai tỉnh khác nhau nên khí hậu cũng sẽ có sự chênh lệch về nhiệt độ. Ở phía Tà Năng sẽ có khí hậu hơi lạnh như ở Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, còn dần về phía Phan Dũng khí hậu sẽ có phần nóng khô hơn vì do gần Phan Thiết, Bình Thuận. Tà Năng - Phan Dũng thu hút khách du lịch bởi nơi đây phân hóa theo 2 mùa, mùa mưa và mùa khô hay dân trekker hay truyền tai nhau gọi là mùa cỏ xanh và mùa cỏ cháy.

Mùa cỏ xanh: 

Tà Năng Phan Dũng mùa cỏ xanh vào độ khoảng từ tháng 8 đến tháng 2 hàng năm, vào mùa này không khí sẽ dễ chịu hơn, trong lành, mát mẻ hơn. Theo kinh nghiệm trekking Tà Năng Phan Dũng thì vào mùa cỏ xanh là mùa đẹp nhât, đặc biệt là lúc Tà Năng Phan Dũng bước vào tháng 9. Tuy nhiên, trước mỗi chuyến đi bạn cần cập nhật thời tiết để không gặp phải mưa nhé. Trước khi đi 1-2 ngày có mưa thì cũng nên hoãn lại bởi đường đi lúc này vẫn còn rất trơn trượt.

Mùa cỏ cháy:

Ngược lại hoàn toàn với sự xanh mướt, mát mẻ của mùa cỏ xanh thì vào mùa cỏ khô mang lại cảm giác thơ mộng pha một chút trầm mặc của màu vàng cỏ khô. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Vào mùa này, với cái nắng oi ả khiến cho cả ngọn đồi ngả sang màu vàng khiến cho khung cảnh trở nên thật lãng mạn khi hoàng hôn buống xuống những vệt nắng cuối ngày vương lại. 

Đi Tà Năng Phan Dũng trekking cần chuẩn bị gì?

Giày leo núi 

Một đôi giày leo núi trekking có độ chống trơn trượt tốt, phần đế nên có những đường rãnh hoặc đinh để tăng cường độ bám. Ngoài ra, vì quãng đường di chuyển có những đoạn lội nước nên bạn có thể lựa chọn giày leo núi lội nước.

Ba lô leo núi

Balo mang theo size nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ. Nên dùng loại balo có dung tích lớn để chứa được nhiều đồ cần mang.

Lều cắm trại và túi ngủ 

Vì hành trình sẽ kéo dài trong nhiều ngày nên bạn cần bắt buộc mang theo lều cắm trại và túi ngủ để có không gian nghỉ ngơi trong hành trình di chuyển.

Đồ ăn và nước uống 

Mỗi người nên chuẩn bị ít nhất khoảng 5 lít nước bởi khi leo núi sẽ rất mất sức. 5 lít nước trung bình sẽ dùng được trong 1.5 ngày. Đến khi hết nước thì có thể dùng nước suối đun sôi.

Ngoài ra, bạn cũng cần phải chuẩn bị thêm cả đồ ăn như bánh kẹo, bánh mì, đồ khô, thực phẩm đóng hộp…

Bản đồ, định vị GPS, Tracklog

Mỗi một thành viên nên chuẩn bị mang theo các công cụ định vị offline hoặc bản đồ Tà Năng Phan Dũng để có thể dễ dàng hơn khi di chuyển.

Quần áo

Ngoài 1 bộ đồ mặc trên người bạn nên chuẩn bị thêm 1 chiếc áo khoác chống nước, 2-3 chiếc áo thun chất liệu thoáng mát, 2-3 quần chất liệu mau khô và 1 bộ đồ mặc khi đi ngủ. Nên lựa chọn trang phục dài tay để tránh bị côn trùng đốt hay vắt cắn nhé.

Thuốc và đồ dùng y tế

Các loại thuốc cơ bản cần mang theo trong mỗi chuyến đi như thuốc giảm đau, thuốc đau bụng, hạ sốt, đường glucose và các dụng cụ y tế sơ cứu như bông, gạc, kéo, băng dính…

Các đồ dùng cần thiết khác 

Ngoài các gợi ý trên bạn cũng cần phải chuẩn bị thêm những đồ dùng cá nhân khác như bàn chải, kem đánh răng, túi khô đựng đồ bẩn, gậy leo núi,…

5 kinh nghiệm đi Tà Năng an toàn nhất

Tà Năng luôn là một điểm đến lý tưởng của các phượt thủ và dân mê xê dịch nhưng cũng chính bởi có rất nhiều những cung đường di chuyển khác nhau nên đã có những trường hợp bị lạc hoặc mất tích ở Tà Năng Phan Dũng. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, dưới đây là những điều mà bạn nên nhớ khi chinh phục cung đường Tà Năng – Phan Dũng:

1. Bắt buộc phải thuê Porter mang đồ và Leader là người địa phương

Theo như kinh nghiệm của nhiều người từng đi Tà Năng Phan Dũng chia sẻ, ngay cả khi họ đã từng đi rất nhiều lần thế nhưng vẫn cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của các Porter mang đồ đạc của bạn trong suốt hành trình và một Leader là người địa phương để thông thạo địa hình và nắm rõ quãng đường di chuyển.

Nếu như bạn chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn muốn khám phá thì có thể lựa chọn các tour trekking Tà Năng Phan Dũng.

2. Hãy trang bị những kĩ năng sinh tồn cần thiết 

Điều quan trọng nhất của những trekker mà nhiều người vẫn thường bỏ qua chính là kĩ năng sinh tồn. Thử tưởng tượng nếu như bạn bị lạc chỉ có 1 mình ở trong khu rừng thì sẽ như thế nào?

Trước mỗi chuyến đi mỗi thành viên hãy trang bị những kĩ năng sinh tồn cần thiết như tạo lửa, dựng lều cắm trại, tìm kiếm đồ ăn, sơ cứu vết thương… Hành trình di chuyển ở Tà Năng rất dài và khó khăn nên với những ai chưa từng đi leo núi, trekking thì không nên lựa chọn địa điểm này.

3. Tuyệt đối không đi thác, tắm suối nếu không có kinh nghiệm 

Bên cạnh hành trình di chuyển bằng đường mòn, leo đồi thì cung đường phượt Tà Năng Phan Dũng còn có những đoạn suối thác nguy hiểm. Đặc biệt là vào mùa mưa thì nước suối chảy mạnh rất xiết.

Khi muốn vượt thác, hãy đảm bảo các thành viên đã được buộc dây chắc chắn để không bị lạc nhau. Với những người chưa có kinh nghiệm đi suối thác thì không nên cố gắng vượt qua bởi đã có rất nhiều những vụ tai nạn ở suối.

4. Các thành viên luôn phải đi cùng nhau, không được tách đoàn 

Đường đi Tà Năng Phan Dũng rất dài và phức tạp. Các thành viên trong nhóm cần phải bám sát lẫn nhau, tuyệt đối cần tránh việc tách đoàn. Sau mỗi chặng nghỉ cần phải kiểm tra lại số lượng các thành viên trong nhóm. Ngoài ra, mỗi một nhóm trekking cũng không nên đi quá đông người. Thông thường chỉ nên đi dưới 10 người mà thôi.

5. Biết cách sử dụng GPS, Tracklog, Maps

Hãy đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong nhóm sẽ phải nắm rõ về lịch trình của chuyến đi, cung đường mà cả nhóm dự định sẽ di chuyển để phòng khi có trường hợp thành viên bị tách đoàn có thể liên lạc và dễ dàng tìm được phương hướng.

Mỗi một thành viên trong hãy trang bị cho mình các thiết bị định vị GPS, Offline Maps và Tracklog Tà Năng Phan Dũng.

Cung đường nào trekking Tà Năng Phan Dũng an toàn nhất

Đi trekking Tà Năng Phan Dũng 2 ngày 1 đêm và lựa chọn cung đường Đồi Lính dài 35 km để di chuyển là đơn giản nhất. Hoặc nếu như bạn có nhiều thời gian và sức khỏe dẻo dai thì có thể đi Tà Năng Phan Dũng 3 ngày 2 đêm và đi qua thác Yavly với quãng đường dài 55km.

Đi theo cung đường Đồi Lính dài 35 km

Ngày thứ 1: Trekking đến cột mốc 3 tỉnh – cắm tại rừng thông

Từ Sài Gòn bạn có thể đi xe Phương Trang đến Đức Trọng, Lâm Đồng. Sau khi lên xe bạn nhớ dặn bác tài cho dừng ở ngã 3 Tà Hine rồi di chuyển tiếp bằng xe ôm để vào Toa Cát. Từ đây, mình khuyên bạn nên ghé vào chợ Đà Loan để nghỉ ngơi cũng như ăn uống và mua một vài đồ ăn nhẹ mang theo.

Sau đó, bạn di chuyển đến gần bìa rừng Tà Năng thì gửi xe và đi xuống bắt đầu hành trình trekking Tà Năng Phan Dũng. Con đường đi lúc đầu sẽ đi qua dãy đồi thông và khu vườn cà phê của người đân địa phương. Đoạn đường này chủ yếu là đường mòn nên di chuyển dễ dàng, tuy nhiên có điều là hơi bụi một chút.

Đầu hành trình sẽ là lúc mà mọi người còn chưa quen nên sẽ rất mệt. Đừng quên uống nhiều nước bởi quãng đường phía trước còn rất dài. Trên đường đi có những đoạn in hằn dấu xe của những người chinh phục Tà Năng Phan Dũng bằng xe máy nên khá bùn đất.

Đoạn tiếp theo sẽ dẫn bạn đến với một con dốc cheo leo. Đây cũng chính là một trong những con dốc khó khăn nhất ở rừng Tà Năng Phan Dũng. Từ đây bắt đầu có những con dốc nối đuôi nhau, băng qua con dốc này sẽ đến những con dốc khác.

Đến khoảng trưa cả nhóm di chuyển đến đồi thông, cảnh quan tại đây rất đẹp và thoáng đãng để bạn có thể dừng lại nghỉ ngơi và ăn trưa. Đến khoảng chừng 2h chiều bắt đầu tiếp tục hành trình dài phía trước. Thực sự càng đi bạn sẽ thấy càng mệt, thậm chí có nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, khung cảnh phía trước chắc chắn sẽ khiến bạn không muốn bỏ cuộc.

Đến tầm 4h chiều bạn sẽ đến cột mốc 3 tỉnh. Từ cột mốc này để đến đỉnh chóp này sẽ mất khoảng chừng 8km nữa. Đường đi chủ yếu là leo dốc nên vô cùng mất sức. So với tầm trưa và sáng thì vào giờ chiều thời tiết bắt đầu mát mẻ hơn rất nhiều.

Cắm trại tại đây khung cảnh sẽ vô cùng bình yên và đẹp mắt. Dựng lều cắm trại xong bạn chuẩn bị đồ ăn cho bữa tối. Buổi tối ở trên núi Tà Năng thường rất lạnh nên bạn đừng quên mang theo áo khoác nhé.

Ngày thứ 2: trekking bìa rừng Phan Dũng

Sáng sớm cả nhóm cố gắng thức dậy để ngắm bình minh, dù ngày hôm qua phải đi bộ nhiều khiến ai cũng thấy mệt nhọc. Tuy nhiên, khung cảnh bình minh lên tại đây lại vô cùng đẹp nên bạn đừng bỏ lỡ.

Buổi sáng sau khi ăn sáng bạn dọn dẹp đồ đạc và tiếp tục hành trình chinh phục Phan Dũng Tà Năng. So với đoạn đường ngày hôm qua thì đường đi lần này không quá khó khăn bởi không có nhiều dốc lên mà chủ yếu là đi xuống dốc. Hai bên đường cũng có nhiều cây cao hơn nên rất mát mẻ.

Sau đó bạn sẽ đi qua một con suối và tiếp tục đi ra bìa rừng Phan Dũng và cũng là điểm kết thúc hành trình trekking Tà Năng Phan Dũng. Lúc này chắc chắn cả nhóm ai cũng thấm mệt nên chỉ muốn nhanh chóng lên xe để nghỉ ngơi thôi.


(*) Xem thêm

Bình luận